Kiến thức:

– Trang bị cho sinh viên các kiến thức về kế toán, kiểm toán, phân tích kinh doanh, có khả năng hoạch định chính sách kế toán tài chính tại đơn vị.

– Kiến thức cơ sở ngành kế toán như tài chính – tiền tệ, tín dụng ngân hàng, thống kê trong nền kinh tế thị trường, làm nền tảng để nghiên cứu các nghiệp vụ chuyên sâu của ngành kế toán như: luật Kế toán, luật Kiểm toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

– Đồng thời, sinh viên có kiến thức chuyên sâu về các Luật thuế cơ bản và các văn bản hướng dẫn về các Luật thuế hiện hành, quản trị marketing, quản trị hành chánh văn phòng…

Kỹ năng:

– Tổ chức, thiết lập, triển khai, thực hiện và vận dụng chế độ chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, sổ kế toán, biểu mẫu báo cáo tài chính tại các loại hình doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội khác;

– Thành thạo việc thu thập, xử lý, kiểm tra và ghi chép chứng từ, sổ kế toán;

– Lập và phân tích báo cáo tài chính (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính);

– Lập và phân tích một số báo cáo kế toán quản trị cơ bản như: Lập dự toán, dự báo về doanh thu, chi phí, lợi nhuận theo đơn vị/vùng/mặt hàng/…;·

– Lập báo cáo về chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm… để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về lĩnh vực kế toán, kiểm toán hay tài chính.

– Lập các báo cáo thuế hàng tháng và quyết toán thuế năm (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…);

– Thẩm định hiệu quả tài chính về dự án đầu tư;

– Soạn thảo văn bản, hợp đồng, đàm phán và ứng xử giao tiếp;

– Sử dụng thành thạo một số phần mềm kế toán thông dụng phổ biến trên thị trường hiện nay.

Việc làm:

– Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tại Trường Đại học Võ Trường Toản có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước về quản lý kinh tế hoặc dự án.

– Đảm nhận các công việc liên quan đến kế toán, kiểm toán, quản lý về mặt kế toán, tài vụ, thống kê tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… hoặc các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ sở tư vấn đào tạo và nghiên cứu, các cơ sở thương mại thuộc mọi thành phần kinh tế.

– Các viện, trường, các cơ sở đào tạo có chuyên ngành kế toán.

– Tham gia vào các nghiệp vụ kinh tế mà sinh viên yêu thích.

Kế toán tuy là một nghề không mới, nhưng vẫn luôn là một nghề chủ lực của nền kinh tế. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế thị trường hỗn loạn, nhiều giá trị bị đảo lộn, các doanh nghiệp, tổ chức rất cần những kế toán viên giỏi để chăm lo cho việc chi tiêu ngân sách và quản lý tài chính cho mọi hoạt động khác của doanh nghiệp, tổ chức.

Hiện nay, việc ngành kế toán trở thành một trong ba ngành hút thí sinh nhất tại các kỳ thi Đại học, Cao đẳng đã chứng tỏ việc làm kế toán có giá đến mức nào. Công việc ổn định cộng với thu nhập cao và cơ hội việc làm lớn là những tiêu chí không thể bỏ qua của các ứng viên tìm việc làm kế toán. Ngoài ra, kế toán là một ngành tương đối dễ xin việc và không sợ thất nghiệp, vì nhu cầu tuyển dụng luôn luôn ở mức cao.

Kế toán luôn có sức hút mạnh mẽ trên thị trường lao động. Với những người yêu thích các con số, các bảng thống kê và sự chính xác, kế toán là một lựa chọn hợp lý. Thêm vào đó, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng tin học thành thạo (đặc biệt về phần mềm Kế toán) là một lợi thế cho vị trí kế toán tại các công ty có quy mô lớn, công ty đa quốc gia với mức thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến.

1. Kế toán là gì?

Kế toán là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức, một doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước… cho lãnh đạo đơn vị, từ đó có những giải pháp quản lý phù hợp, thúc đẩy đơn vị ngày càng lớn mạnh.

Mỗi đơn vị doanh nghiệp hay tổ chức nếu muốn hoạt động đều có một tài sản nhất định. Trong quá trình tồn tại, đơn vị đó sẽ có những hoạt động mua, bán, đầu tư… gọi là những hoạt động kinh tế tài chính. Doanh nghiệp sẽ thực hiện những hoạt động này bằng cách cân nhắc các câu hỏi: “Tài sản doanh nghiệp hiện tại là bao nhiêu? Giá bán và giá nhập khẩu các nguyên liệu? Đầu tư đang lỗ hay lãi?… Bộ phận kế toán sẽ là người chịu trách nhiệm trả lời những câu hỏi đó.

2. Nghề kế toán làm việc ở đâu?

Là một nhân viên kế toán, bạn sẽ làm việc tại bộ phận kế toán của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, công ty… thường được gọi là Phòng Tài vụ hay Phòng Tài chính kế toán, Ban Tài chính kế toán…

Mọi cơ quan, tổ chức nhà nước hay các công ty, doanh nghiệp ở bất kì lĩnh vực nào trong xã hội đều phải tiến hành công tác kế toán. (Điều này đã được quy định rõ trong Luật Kế toán nước ta).

Thời gian làm việc của kế toán viên thường theo giờ hành chính. Nội dung việc làm kế toán ít thay đổi. Công việc đòi hỏi bạn phải bám sát, áp dụng các chế độ chính sách mới của Nhà nước cũng như các quy định mới của đơn vị về quản lý kinh tế, tài chính. Tức là công việc này cũng rất cần sự năng động, ham học hỏi để tiếp thu những cái mới, tham mưu cho lãnh đạo để đơn vị hoạt động ngày càng hiệu quả.

3. Cơ hội nghề nghiệp và triển vọng của nghề kế toán:

Kế toán là một nghề đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Từ quản lý ở phạm vi nhỏ (ở từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp) cho tới quản lý ở phạm vi lớn hơn (toàn bộ nền kinh tế quốc dân) đều cần đến kế toán.

Mỗi năm nước ta có gần 2000 doanh nghiệp mới được thành lập. Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2010, nước ta phấn đấu có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp tính trung bình cần từ 4 đến 6 nhân viên kế toán làm việc. Đây là một con số nhân lực không nhỏ mà ngành kế toán cần đến, cũng là cơ hội tìm việc làm cho bạn.

Công việc ổn định là đặc điểm của kế toán. Công việc kế toán thường diễn ra chủ yếu tại Phòng Kế toán của các đơn vị, thời gian làm việc thường theo giờ hành chính (trừ trường hợp đặc biệt như đến kỳ lập báo cáo kế toán thì có thể phải làm thêm ngoài giờ). Nếu bạn là nữ, nghề này được coi là rất ổn định bên cạnh nghề giáo viên. Tất nhiên, vì thế, bạn cũng có nhiều điều kiện hơn để chăm lo cho gia đình riêng của mình.

Tuy nghề kế toán là khá ổn định nhưng không có nghĩa là đơn điệu hay nhàm chán. Bạn vẫn được làm việc trong một môi trường năng động và nhiều thử thách. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị kinh tế hiện nay, ngoài việc thực hiện thành thục công việc kế toán, bạn còn phải có những ý kiến tham mưu cho người lãnh đạo để đơn vị hoạt động ngày càng hiệu quả.

Thu nhập của nhân viên kế toán ngày càng cao. Đây là một thực tế và cũng là một lý do rất chính đáng để nhiều người trong số các bạn chọn nghề kế toán. Mức lương nói chung của nhân viên kế toán hiện nay hoàn toàn có thể khiến bạn tạo được một cuộc sống ổn định.

Kế toán viên là người tạo niềm tin cho mọi người. Một doanh nhân thành đạt đã nói rằng: “Tôi chỉ có thể ngủ ngon khi có một kế toán trưởng giỏi”. Tài sản của cả một đơn vị đang do bạn “nắm giữ” trên các trang sổ kế toán bằng các phương pháp kế toán mà bạn được đào tạo. Làm tốt công việc kế toán, bạn sẽ tạo niềm tin cho mọi người trong đơn vị thông qua những con số kế toán mà bạn cung cấp.·

Để trở thành một kế toán viên giỏi, bạn cần có những phẩm chất và kỹ năng sau đây:
– Thiên hướng về môn toán, giỏi tính toán, yêu thích các con số.
– Khả năng sử dụng thành thạo máy tính.
– Trung thực, chính xác và cẩn thận, có thể làm những công việc tỉ mỉ, luôn tuân thủ quy định, quy trình.
– Có tư duy logic cao, có khả năng quan sát và phân tích.