Kiến thức:
– Ngành Văn học (Ngữ văn) đào tạo cử nhân làm công tác nghiên cứu ngôn ngữ và văn học, có kiến thức chuyên ngành rộng, có khả năng tự học nâng cao, tham gia giảng dạy văn học ở các bậc học; hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; theo dõi và quản lý hoạt động văn hóa, văn học, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; có thể tham gia giới thiệu những nền văn học lớn trên thế giới vào Việt Nam và giới thiệu di sản văn học Việt Nam ra nước ngoài; đồng thời có thể tham gia trực tiếp vào đời sống văn học đương đại (phê bình, thẩm định sáng tác văn học đương đại phục vụ cho các cơ quan báo chí, xuất bản…)
– Sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng giao tiếp, xử lý tốt các nghiệp vụ văn phòng trong môi trường làm việc nội địa và quốc tế.

Kỹ năng:
– Kỹ năng nghề nghiệp:
+ Có kỹ năng nghiên cứu, sáng tác và thẩm định tác phẩm văn học một cách độc lập, có khả năng truyền đạt và cảm thụ văn học, có khả năng vận dụng các kiến thức ngữ văn vào các công việc khác như viết báo, thư viện, hành chính, phát thanh truyền hình…
+ Có kỹ năng trình bày và phân tích vấn đề, tổ chức và làm việc nhóm.
– Kỹ năng công cụ: có khả năng sử dụng tiếng Anh (giao tiếp) trong hoạt động chuyên môn và ứng dụng tin học vào công tác chuyên môn.

Việc làm:
Sinh viên tốt nghiệp ngành Văn học tại Trường Đại học Võ Trường Toản có khả năng làm việc trong các cơ quan hành chánh, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn học như văn hóa và thông tin, thư viện, báo chí, phát thanh truyền hình, bảo tàng, giảng dạy môn văn bậc trung học ở các trường trung học phổ thông (nếu có các chứng chỉ sư phạm bổ sung); làm phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan báo chí và xuất bản; làm công việc văn phòng ở các cơ quan văn hoá và kinh tế; làm việc tại các cơ quan quản lý giáo dục như Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo…

Nếu bạn có mong muốn trở thành phóng viên trong các lĩnh vực báo viết, báo hình, báo mạng, báo nói; giảng viên trong các trường đại học hay giáo viên cấp III; nhà nghiên cứu văn học; nhà biên kịch; biên tập viên tại các nhà xuất bản; nhà quản lý tại các đơn vị làm công tác văn hóa, nhà hoạt động xã hội trong các tổ chức chính trị, xã hội… thì chính ngành Văn học có thể chắp cánh cho những ước mơ đó của bạn.
Nếu bạn muốn khám phá, tìm hiểu và học tập những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới và Việt Nam, muốn có cơ hội gặp mặt những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và những nhà nghiên cứu tên tuổi, muốn có cơ hội được tiếp cận một lĩnh vực học tập mới mẻ và hấp dẫn như Nghệ thuật học hay tham gia các lớp học về biên kịch điện ảnh, đạo diễn… thì cũng chính ngành Văn học sẽ cho bạn cơ hội để trải nghiệm tất cả những điều đó và hơn tất cả là niềm tự hào khi là một sinh viên Văn khoa tổng hợp.

Cơ hội nghề nghiệp của ngành Văn học (Ngữ văn)
Báo chí
Mỗi sáng mọi người trên hành tinh này sẽ thức dậy với câu hỏi quen thuộc: “Hôm nay có gì mới?”. Xã hội ngày càng hiện đại, thông tin ngày càng phong phú, đồng nghĩa với nhu cầu nắm bắt thông tin kịp thời của con người trở thành một trong những nhu cầu bức thiết. Thông tin được ví như thức ăn, nước uống. Thông tin cần cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghề báo ra đời trên nhu cầu ấy.
Báo chí đóng một vai trò quan trọng trong đời sống thông tin của toàn nhân loại. Triển vọng phát triển của nghề báo là vô tận khi nhu cầu thông tin của con người ngày càng tăng theo cấp số nhân và không hề có dấu hiệu dừng lại. Theo đó, nhu cầu về nhân lực cho nghề báo cũng tăng liên tục qua các thời kỳ, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay.
Báo chí hiện đang là ngành “nóng”, thu hút sự quan tâm của đa số bạn trẻ. Trong xu thế thông tin trở thành thứ hàng hóa đặc biệt và quan trọng, nghề báo là nghề thời thượng và có cơ hội thăng tiến cao. Khá nhiều bạn trẻ chọn báo chí làm con đường tương lai và hăng say trau dồi kỹ năng thực tế để trụ vững với nghề.
Giới trẻ coi báo chí là con đường hấp dẫn và phong cách. Đây là lĩnh vực hấp dẫn nhưng để tìm việc làm trong ngành này, bạn phải chứng tỏ được khả năng viết. Và để có khả năng viết, ngành Văn học sẽ đào luyện cho bạn kỹ năng đó một cách thuần thục và chuyên nghiệp. Ngoài ra, nếu quyết định chọn ngành này để thăng tiến, bạn cần trau dồi một số phẩm chất và kỹ năng cũng như tìm cơ hội để tiếp cận cơ quan báo chí sớm ngay khi còn đang học.Phẩm chất và kỹ năng cần thiết cho người muốn tìm việc làm báo chí:
– Năng khiếu phát hiện thông tin: quan tâm đến sự kiện và luôn biết phát hiện vấn đề, nhanh nhạy và tháo vát trong tiếp nhận và xử lý thông tin.
– Năng khiếu truyền tin: Biết cách chọn lọc thông tin và khiến nó trở sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và cần thiết với công chúng.
– Đam mê với nghề thông tin.
– Sức khỏe tốt, ưa vận động, nhanh nhẹ, tháo vát.
– Biết học hỏi, tìm tòi để xây dựng cho mình một vốn văn hóa, vốn sống phong phú và phong cách viết riêng.
– Với truyền hình hay phát thanh: có một số yêu cầu đặc thù của nghề về chất giọng, ngoại hình…Nhà báo thường làm việc tại các cơ quan báo chí như thông tấn xã, các tòa soạn báo, các đài phát thanh, truyền hình tại Trung ương và địa phương. Ngoài ra, họ cũng công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí như Cục Báo chí; các ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, quận ủy, huyện ủy; Cục Báo chí; các Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh, thành phố; các phòng Văn hóa thông tin quận, huyện.
Bạn cũng còn có thể làm việc tại các phòng thông tin – báo chí của các cơ quan, các Bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị – xã hội, các công ty truyền thông hay các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, ủy viên báo chí ở các Đại sứ quán trong và ngoài nước… Bạn cũng có thể trở thành nhà báo tự do (tức là không phụ thuộc vào bất kỳ một cơ quan tổ chức nào ngoài chính bản thân bạn). Đây là mô hình rất phát triển ở phương Tây.

Biên tập viên
Hiện nay, việc làm biên tập tuy không là nghề “hot”, nhưng vẫn là nghề giành được nhiều tình cảm của các bạn trẻ. Những người trẻ yêu viết lách hẳn sẽ yêu biên tập. Và những ai đang tìm việc làm biên tập sẽ phải trăn trở với câu hỏi đầu tiên: Người biên tập đến với nghề bằng gì? Họ có theo đuổi nó đến cùng không? Điều gì có thể giữ chân họ đến cùng?… Xin thưa rằng, người biên tập đến với nghề bằng khả năng viết lách, kiến thức và bằng sự đam mê, họ có theo đuổi nó đến cùng hay không phụ thuộc vào khả năng và đam mê của chính họ.
Do yêu cầu khắt khe về kiến thức và kỹ năng, bắt buộc các nhà biên tập phải luôn luôn nỗ lực học hỏi và tự hoàn thiện bản thân mình để thoát khỏi sự đào thải nghiệt ngã của nghề. Tuy nhiên, đến với nghề biên tập, bạn sẽ “ được” nhiều thứ vô giá. Đó là bản lĩnh viết lách, là một kho tàng kiến thức và những kỹ năng cần thiết để vững vàng trong cuộc sống. Điều đó lý giải vì sao biên tập vẫn là lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Hễ có người viết thì có người biên tập. Người biên tập đọc lại, suy nghĩ, làm cho các tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn. Họ có mặt ở mọi nơi: trong các tờ báo ngày, báo tuần, các nhà xuất bản, tại đài truyền thanh, đài truyền hình, công ty nhân sự và quảng cáo. Tại các nước phát triển, họ còn hiện diện trong các cơ quan chính phủ, trường học và doanh nghiệp. Hiện nay, có cả người biên tập thông tin cho các trang Web.
Nói chung, ngày nay, không một nhà lãnh đạo cơ quan truyền thông nào mà lại không thừa nhận giá trị của các biên tập viên giỏi. Các báo Việt Nam trả lương cho người biên tập cao hơn cho phóng viên cùng trình độ; có thể gần gấp đôi. Các tờ báo, tạp chí, đài truyền thanh, đài truyền hình uy tín có một điểm chung: tất cả đều sử dụng những biên tập viên giỏi. Tay nghề cao của tập thể biên tập viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh cho một cơ quan truyền thông.

Các cơ hội việc làm khác:
– Nếu bạn có thành tích học tập tốt hoặc xuất sắc, nếu bạn say mê nghiên cứu và mong muốn được chia sẻ hiểu biết của mình với nhiều người hơn, bạn hãy lựa chọn nghề làm giảng viên tại các trường Đại học.
– Bạn có thể làm nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu: Viện nghiên cứu Văn học, Viện nghiên cứu Văn hóa…
– Học thêm một chứng chỉ sư phạm, bạn hoàn toàn có cơ hội trở thành giáo viên tại các trường Trung học phổ thông trên toàn quốc, đặc biệt các trường học tại địa phương.
– Cán bộ tại các cơ quan văn hóa thông tin cấp thành phố, tỉnh, huyện: Sở Văn hóa, Phòng Văn hóa,…
– Cán bộ hoạt động phong trào: Trung ương Đoàn thanh niên, Trung ương Hội sinh viên, các Tỉnh đoàn địa phương, Ủy ban nhân dân các thành phố…

Chọn ngành Văn học, bạn cần một số phẩm chất và kỹ năng cần thiết sau đây:
– Năng động, tự tin, có trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc, hoà đồng, cầu tiến.
– Yêu thích và có khả năng viết tốt.
– Suy nghĩ sâu sắc, độc lập, sáng tạo.
– Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, nghiên cứu, khả năng tư duy logic, sáng tạo.
– Biết học hỏi, tìm tòi để xây dựng cho mình một vốn văn hóa, vốn sống phong phú và phong cách viết riêng.